Từ một lời giới thiệu bắt gặp vô tình trên mạng: “Nơi tôi ở có thể mời bạn bè đến câu cá, có thể tặng người này quả xoài, người kia quả mận, người khác chùm khế ngọt… Đây là niềm vui của người lao động, không phải người chơi”, đã khiến bước chân tôi tìm về con hẻm sâu ở quận 8, nơi có căn nhà của nhạc sĩ Dương Thụ…
Cuối con hẻm dài hun hút, cánh cổng là cái “tín hiệu” đầu tiên cho ta thấy đúng là đã đến nơi. Một cánh cổng bằng gỗ cũ kỹ, có mái ngói nhỏ phía trên, rất phong cách, gây một sự “kích thích” mạnh về cảm giác cho khách khi giật chuông.
Qua cổng, đôi chân vẫn cứ lùng nhùng chưa muốn bước trước vẻ sum suê, xanh mướt của mảnh vườn. Rất dễ nhận ra ý đồ của người thiết kế (cũng là chính chủ nhân) ở đây, đã dành ưu tiên số một cho không gian xanh, là cây và nước. Kiến trúc chỉ chiếm một quy mô vừa đủ cho một gia đình không quá đông người. Ngôi nhà được lùi sâu vào trong, tạo một khoảng lớn phía trước làm ao vườn. Và như để tránh “trực xung”, nó nằm lệch đi so với cánh cổng, khách bước vào chỉ thấy um tùm cây trái, mặt nước, bờ ao, và cái cầu nhỏ, mà chưa thấy nhà. Ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện phía trong, đằng sau kẽ lá, có cảm giác như đang ở một ngõ xóm nào trong làng.
Không rộng nhưng đủ, và dường như chủ nhà cũng đã thỏa mãn với sự bố trí phòng ốc, phù hợp với nếp sinh hoạt riêng của mình. Ở đây có mấy điều gây chú ý. Thứ nhất, là những khoảng mở, các không gian ở như phòng khách, phòng ngủ, làm việc, bếp, ăn đều được tiếp xúc trên diện rộng với vườn, đều có một khoảng nhìn tối đa ra khu vườn phía trước, qua các khung cửa rộng và được kéo xuống gần sát sàn nhà. Tầm nhìn ra ngoài như là một điều không thể thiếu trong căn nhà này, cho dù là từ những không gian nhỏ như nhà tắm hay toilet, những khe hở tiếp xúc với khoảng trời luôn được tạo ra dù là nhỏ, và bên ngoài luôn phải có một cái gì đó, một nhành cây, mấy giò phong lan, lồng chim hay bức tường gạch thô trang trí.
Tiếp đến là những góc nhìn nội thất. Qua góc rộng, cảm giác chung là một không khí đầy chất thô mộc, tối giản và có thẩm mỹ. Những điểm thu hút thị giác là một hốc tường nơi đặt bức tượng phật, hay cái máy điện thoại kiểu cổ đặt trên một cái tủ gỗ cũng rất cổ, hay bức hoành phi cổ với bốn chữ “Thu Phố Ngọc Nhân” treo trên tường. Nhưng ấn tượng hơn cả những góc nhỏ, nơi có những sự sắp đặt mang tính trang trí nhưng vẫn là thích dụng. Một cái chum nước bằng sành đặt cạnh một lọ hoa trên cái bệ đỡ bằng tre. Hay bếp nướng ngoài sân xây bằng gạch mộc, bên bộ bàn ghế cũ, cạnh bức tường xi măng không sơn phết, với cái cổng giả “nhà quê” như một bức tranh đắp nổi.
Nếu sự ấm cúng và cô đọng của không gian nội thất được tạo ra bởi những kích thước vừa độ, bởi chất liệu thô mộc là tre gỗ và gạch, bởi sự im lặng như biết nói của cổ vật, thì sự mát mắt của không gian bên ngoài chủ yếu được tạo nên bởi cỏ cây và nước. Cái ao chiếm hơn nửa khu vườn không khác mấy một ao làng nhỏ, vài cái cần câu dựng dưới mái hiên. Bờ ao cặp sát hiên nhà, khiến ngôi nhà như một “thủy tạ” nổi trên mặt nước, hành lang lượn một đường cong vạt góc điệu đàng. Trên đó, những cột gạch, hàng lan can cũng bằng gạch xây thâm thấp, mảng nghiêng của mái ngói đổ xuống hàng hiên, tạo những khuôn hình đẹp.
Không điệu đà mà thích dụng, vườn của Dương Thụ ít cây cảnh, nhiều cây ăn trái và được trồng thẳng xuống đất. Anh thích thế. Khách được mời nếm nhiều trái ngon hái từ vườn nhà, những quả xoài ngọt và có mùi thơm hăng hăng, ngai ngái của trái chín cây, quả me chua, trái mận ngọt… (nghe nói có người còn được nếm cá câu dưới ao). Mỗi vị trí cây trồng trong vườn đều mang một công dụng và được chủ nhà tính toán chính xác. Một cánh cửa sổ mở toang sẽ trở nên trơ trọi nếu không có cái dáng lòa xòa của cây xi được trồng bên cửa. Anh có nhiều tranh nhưng không thích treo, vì nghĩ “Khó có bức tranh nào bằng được cái cửa sổ nhà mình”. Mọi thứ ở đây nhìn ra có vẻ hoang dã, nhưng là một sự “hoang dã có trật tự”.
Dường như cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà ở đồng bằng Bắc Bộ đã được anh ứng vận vào ngôi nhà rất nhiều. Những không gian liên phòng nối nhau bằng hàng hiên, gợi một hình ảnh “nhà ba gian”, hay là những cái bậu cửa thấp, có thể hiểu là cửa sổ, cũng có thể hiểu là cửa đi. Ngoài hàng lan can xây gạch là những cầu ao, cây cau, chum nước và không thể không nhắc đến vai trò của những chú chó, mèo. Cái không khí vườn tược ở đây đã làm “hoang dã hóa” cả những âm thanh mà lẽ ra sẽ cực kỳ khó chịu của đời sống đô thị.
Bữa tối được dọn trên cái bàn gỗ mộc, chén bát gốm thủ công ở Đồng Tháp xù xì, bát canh cua rau rút, những con cá nướng nằm trên lát lá chuối, đặt lên cái đĩa sứ men xanh… Chủ nhân nói về ngôi nhà của mình một cách giản dị. Theo anh, mọi thứ thực ra là rất tự nhiên, vì đời sống, những cảm nhận văn hóa của anh là thế, nên nó hiện ra như thế.
The post “Thủy tạ” của Dương Thụ appeared first on Noithatmagazine – Không gian sống.
Copyright © 2016-2023 CÔNG TY TNHH Ken Sofa
Giấy chứng nhận ĐKKD số: 0314007461 do Sở KH&ĐT TP.HCM cấp ngày 13/09/2016.
💻 Website: https://kensofa.vn
📧 Email: kensofavn@gmail.com
Facebook: /KenSOFA.vn
Hệ thống showroom nội thất của KenSOFA (9h - 21h):
🏠Showroom Quận 4, Quận 7 tại 462 Nguyễn Tất Thành, P. 18, Quận 4, TP. HCM (qua cầu Khánh Hội Q1 bên phải) 📱0931.960.910
🏠Showroom Thủ Đức, Quận 2 tại 30 Lương Định Của, P. An Khánh, TP. Thủ Đức, TP. HCM (đối diện chùa Huê Nghiêm) 📱0938.906.910
From KenSOFA with 💗